Hoa đỗ quyên là một trong những loài hoa được nhiều người lựa chọn để làm đẹp ngày Tết bởi màu sắc tươi sắc, hương thơm nồng nàn, nở lâu tàn. Không những vậy, loài hoa này còn mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Hãy cùng chúng tôi theo dõi hết bài viết để biết rõ hơn về nguồn gốc, ý nghĩa, tác dụng cũng như cách trồng và chăm sóc đỗ quyên thế nào nhé!
Những nét đặc trưng ở cây hoa đỗ quyên
Hoa đỗ quyên thuộc cây thân gỗ sống lâu, dạng cây bụi, có thể cao từ 0,1 – 10m tùy loại. Lá cây xếp thành hình xoắn ốc bao quanh thân cây với màu xanh đậm, khá dày và giòn, hình bầu dục, thon dài và nhọn ở hai đầu. Tùy theo từng giống cây, cây càng cao thì kích cỡ lá sẽ càng to, từ 2cm lên đến 50cm.
Hoa đỗ quyên có dạng hình phễu hoặc hình chuông, mọc trên đỉnh của cành, đôi khi kết thành chùm lớn. Hoa thường nở vào đầu xuân, nhưng cũng có giống hoa nở vào mùa hè, thậm chí là nở vào mùa thu. Thời gian hoa nở rất lâu nên được nhiều người chọn để trang trí nhà cửa trong ngày Tết. Các cánh hoa khá mỏng, xếp xen kẽ uốn lượn vào nhau với hương thơm vô cùng quyến rũ.
Sự tích về sự xuất hiện của loài hoa
Nguồn gốc xuất hiện loài hoa đỗ quyên bắt đầu từ cuộc sống hạnh phúc của một đôi vợ chồng. Người chồng thì lên rừng đốn củi, săn bắt thú rừng để đem về làm thức ăn và một phần đổi lấy tiền để mua các thứ khác. Người vợ thì ở nhà nấu cơm và làm các việc lặt vặt xung quanh nhà để kiếm thêm chút tiền.
Một hôm, người chồng đi mãi không về, người vợ chờ mãi vẫn không thấy bóng dáng hay tin tức của chồng. Thế nên nàng quyết định khăn gói vào rừng tìm. Nhưng trớ trêu thay, người vợ vừa đi thì người chồng lại trở về.
Trong suốt thời gian đi tìm chồng, nàng đã kiệt sức và chết bên một tảng đá và mọc lên một bông hoa tỏa hương thơm ngát. Hành động của nàng sẽ khiến một tiên ông cảm động nên đã đặt tên cho loài hoa đó là hoa đỗ.
Về phần người chồng, sau thời gian ngắn quay về, chờ tin vợ nhưng vẫn biệt tăm nên chàng cũng quyết chí lên rừng sâu tìm vợ. Cũng do tìm vợ nhiều ngày không thấy, không ăn uống gì nên anh cũng kiệt sức và gục chết bên tảng đá kia, nơi mà người vợ đã chết.
Sau khi chết, người chồng vẫn còn vấn vương về vợ, mong được tìm thấy nàng nên hồn chàng hóa thành một chú chim, ngày ngày ca hót để tìm vợ. Tiên ông thương xót cho đôi vợ chồng này nên đã đặt tên cho loài chim này là chim quyên, có nơi đọc lái thành chim quên.Từ đó về sau, dân gian gọi loài hoa kia là hoa đỗ quyên với mong muốn 2 vợ chồng được đoàn tụ và hạnh phúc bên nhau.
Ý nghĩa tương ứng với từng loại hoa đỗ quyên
Qua sự tích về sự xuất hiện của hoa đỗ quyên, chúng ta đã phần nào hiểu được ý nghĩa của loài hoa này. Đó chính là biểu tượng cho tình yêu đôi lứa, sự chung thủy và yêu thương nhau trong cuộc sống vợ chồng.
Bên cạnh đó, đỗ quyên còn là đại diện cho sự dịu dàng, nữ tính của người con gái. Vì thế, mọi người thường trồng đỗ quyên trong nhà với mong muốn gia đình luôn hạnh phúc, đầm ấm.
Hơn nữa, hoa đỗ quyên còn có ý nghĩa giúp xua đuổi được tà khí và mang may mắn, thịnh vượng đến cho gia đình. Vì thế, những ngày tết, mọi người thường chọn loài hoa này để vừa trang trí không gian nhà ở, vừa mong sự ấm no, vừa muốn xua đuổi những điều không may và cầu mong những điều may mắn sẽ đến.
Ngày nay, trên thế giới có hơn 100 loại đỗ quyên với nhiều màu sắc khác nhau để người dùng thoải mái lựa chọn trang trí cảnh quan đẹp mắt hơn. Bên cạnh biểu tượng cho tình yêu đôi lứa thì mỗi màu đỗ quyên còn mang một ý nghĩa tượng trưng riêng.
- Đỗ quyên tím và hồng: Tượng trưng cho sự vui vẻ, thoải mái và không căng thẳng.
- Đỗ quyên vàng: là đại diện cho tình bạn và gia đình.
- Đỗ quyên trắng (còn được gọi là bạch quyên): Mang đến cảm giác thanh khiết, sự kiềm chế và lịch sự.
- Đỗ quyên đỏ: là đại diện cho sự lãng mạn và niềm đam mê cháy bỏng. Nó cũng là tượng trưng cho tình cảm vợ chồng vô cùng mặn nồng.
Công dụng được tìm thấy ở hoa đỗ quyên
Ngoài tác dụng trang trí nhà cửa, cầu hạnh phúc và thu hút sự may mắn thì hoa đỗ quyên còn mang đến nhiều công dụng hữu ích đối với sức khỏe.
- Rễ cây đỗ quyên giúp ngừa phong thấp và cầm máu.
- Hoa đỗ quyên dùng làm vị thuốc điều hòa kinh nguyệt, trị phong thấp, giảm đau. Bên cạnh đó, hoa còn có tác dụng làm trắng da, trị nám, tàn nhang.
- Lá cây đỗ quyên giúp giải độc, thanh nhiệt. Từ đó, đem lại hiệu quả cho những ai đang bị mụn nhọt sưng đỏ, nổi mề đay, ngứa ngáy cơ thể… Bệnh ho, viêm phế quản khi dùng lá đỗ quyên cũng khá hiệu quả.
Đặc biệt, bởi hương thơm quyến rũ nên hoa đỗ quyên còn được dùng để điều chế nước hoa.
Kỹ thuật trồng hoa đỗ quyên hiệu quả
Hoa đỗ quyên xuất phát từ vùng ôn đới nên nó khá ưa thích khí hậu mát mẻ. Chỉ cần biết cách trồng và chăm sóc thì hoa sẽ nở đẹp quanh năm.
Chọn giống đỗ quyên
Hiện nay, giống hoa đỗ quyên khác nhiều nhưng phổ biến nhất là giống hoa của Bỉ. Đây là giống đỗ quyên nhỏ, nhiều hoa với những cánh hoa to và rất đẹp. Có giống cây còn nở ra cả 2 màu hoa rất bắt mắt. Trong đó, cây được trồng từ phương pháp chiết cành, giâm thì sẽ phát triển nhanh hơn so với cách trồng bằng hạt.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên ưu tiên chọn những cây giống có màu lá xanh đậm, tươi tốt. Khi sờ vào lá sẽ cảm nhận được độ cứng cáp, hơi giòn. Đất trong chậu phải còn tơi xốp, độ ẩm vừa phải và có độ mùn cao.
Các bạn cần tránh chọn những cây có sâu bệnh, lá vàng úa hoặc bị rụng, đất khô cứng. Bạn cũng không nên chọn cây quá nhỏ, ít rễ. Như vậy, việc chăm sóc sẽ rất khó khăn, cây cũng chậm phát triển.
Tạo đất trồng cho cây
Hoa đỗ quyên phát triển tốt trong đất chua với độ pH từ 4 – 5 là lý tưởng nhất. Thêm vào đó là đất phải tơi xốp, độ ẩm cao, nhiều mùn bởi vì rễ cây đỗ quyên là dạng rễ chùm, ăn cạn nên đất phải có giữ ẩm tốt.
Nếu đất có khô cằn thì bạn có thể trộn thêm mùn của các loại gỗ cây thông, gỗ cây tùng. Trường hợp không tìm được mùn gỗ thì bạn có thể dùng tạm rơm rạ, lá cây phủ lên gỗ. Và nếu muốn cây phát triển tốt, xanh mướt hơn thì có thể bón thêm phân NPK, phân hữu cơ, rêu và than bùn.
Chọn chậu trồng hoa đỗ quyên
Do rễ đỗ quyên dạng chùm, nông nên chúng ta cũng nên chọn chậu nông nhưng có miệng rộng, phải có lỗ thoát hơi nước ở đáy. Trước khi cho hoa vào chậu thì bạn nên lót một lớp lưới nilon, xếp lên lớp gạch vụn, sỏi đá rồi mới đổ đất vào khoảng nửa chậu. Tiếp đến là đặt cây vào và lấp đất lại đến ⅔ chậu thì dừng lại.
Khi trồng, bạn nên đặt cây đứng thẳng, chỉ nên nén nhẹ để tạo độ thoáng khí, thoát nước tốt. Nếu quan sát thì rễ cây mọc ra ở phần đáy chậu thì đó là lúc bạn nên thay chậu mới hoặc bổ sung thêm chất mùn cho cây.
Các khâu chăm sóc hoa cơ bản
Hoa đỗ quyên ưa bóng râm, không thích nắng gắt nên bạn hãy đặt chậu cây ở nơi có bóng mát, ít nắng gay gắt. Thêm vào đó là thường xuyên phơi nắng cho cây mỗi ngày, từ 1-3 tiếng để cây phát triển tốt cũng như giúp màu sắc hoa tươi đẹp hơn.
Tưới nước cho hoa đỗ quyên hợp lý, đúng thời điểm
Với cấu tạo rễ chùm, ăn nông nên đỗ quyên không chịu được sự khô hạn cũng như tình trạng ngập úng. Vì vậy, tùy theo thời tiết, bạn sẽ tưới nước cho cây với thời gian và lượng nước sao phù hợp.
Thường, chúng ta sẽ tưới cây hoa đỗ quyên vào sáng sớm hoặc chiều mát, cần tránh tưới vào lúc trời đang nắng gắt. Nếu thấy khí hậu khô hanh thì bạn nên phun sương cho lá và hoa để cân bằng độ ẩm cho cây. Còn khi cây ra nụ, ra hoa thì nên tưới thường xuyên hơn.
Thời gian lý tưởng để bắt đầu trồng cây đỗ quyên chính là vào mùa xuân. Khi mới trồng cây giống thì chúng ta chỉ nên tưới nước khi thấy đất xung quanh cây bị khô và tưới với lượng đủ làm ẩm đất. Loại nước dùng phù hợp nhất là nước tự nhiên, đó có thể là nước ao hồ, nước sông… Sau khi đã quen dần thì có thể chuyển qua dùng nước máy để tưới.
Cứ khoảng 10 – 15 ngày thì bạn nên tăng độ chua cho nước tưới bằng cách pha thêm giấm hoặc Sunfat sắt theo tỷ lệ 10%. Hoặc cũng có thể dùng nước vo gạo, nước đậu chua pha loãng. Trong đó, nước sunfat sắt với tỷ lệ 0,5 – 1% có công dụng phòng trừ sâu bệnh cho hoa đỗ quyên khá hiệu quả.
Cách bón phân cho hoa đỗ quyên
Bón phân đúng cách, hợp lý với lượng vừa phải sẽ giúp cây phát triển xanh tốt, hoa nở đều đẹp. Thời điểm lý tưởng để bón phân cho cây đỗ quyên chính là lúc hoa đã nở hết. Lúc này, bạn nên cắt tỉa hết cành khô và bón phân NPK để cung cấp dưỡng chất cho cây.
Mỗi năm chỉ nên bón phân hữu cơ 1 lần cho cây để tạo độ mùn cho cây. Chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc khi bón phân, đó là: phân khô thì bón ít, phân nước thì pha loãng. Trong giai đoạn cây đang mọc ra cành mới thì bạn có thể bón bổ sung thêm Canxi, Kali, Photpho để cây kích thích cây nhanh ra nụ, ra hoa nhiều hơn.
Và để tăng hiệu quả cho việc bổ sung dưỡng chất cho hoa đỗ quyên thì khi bón phân, bạn nên tăng thêm lượng nước tưới. Bạn cũng nên xới đất nhẹ nhàng quanh gốc cây để phân thấm nhanh, đều vào bộ rễ.
Đối với cây 2-3 năm tuổi trở nên thì chỉ cần bón phân vào cuối xuân hoặc đầu hè với thời gian cách nhau 10 – 15 ngày. Còn với cây trên 4 năm tuổi thì 1 năm bạn bón 2 lần phân khô vào mùa xuân và mùa thu, giữa tháng 6 thì bón 1 lần phân NPK, sau tháng 6 thì không cần bón phân nữa. Đến khi hoa tàn thì cắt tỉa cành và bón thêm 1 lần phân nước.
Trường hợp cây có hiện tượng héo lá, vàng lá thì có thể nguyên nhân là do phân bón quá đặc. Lúc này, bạn nên tạm ngưng việc bón phân một thời gian.
Cách cắt tỉa cành cho hoa đỗ quyên
Thực hiện cắt tỉa những cành bị sâu, khô, yếu sẽ giúp ngăn ngừa sâu bệnh cho cây đỗ quyên hiệu quả. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cắt bỏ những cành mọc quá dày để tạo dáng cho cây đẹp hơn. Hành động này còn giúp kích thích chồi non mới xuất hiện và giúp cây sinh trưởng tốt hơn.
Lời Kết
Trên đây là tổng hợp thông tin về hoa đỗ quyên mà các bạn cần phải biết. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn biết biết cách chăm sóc đỗ quyên cũng như hài lòng với lựa chọn của mình!