Hoa đào chưng tết là loài cây cảnh không thể thiếu trong mỗi gia đình vào dịp tết Nguyên đán, tuy nhiên, tùy vào từng sở thích của từng người và phong thủy từng ngôi nhà mà người ta lựa chọn các loại hoa đào chơi tết khác nhau như: Đào phai, bích đào, bạch đào,…Để hiểu rõ hơn về từng loại đào cũng như ý nghĩa của các loại đào chưng tết, chúng ta cùng xem qua bài viết này nhé.
Đào phai
Đào phai là một trong các loại hoa đào chơi tết được ưa chuộng nhất hiện nay ở nước ta, với sắc hoa hồng phớt nhẹ nhàng, tinh tế, đầy thanh lịch, đào phai tượng trưng cho mùa xuân nhẹ nhàng, mơn mởn với những nụ hoa chúm chím hé mở đón xuân sang cùng lộc non tràn đầy. Do đó, được nhiều gia đình lựa chọn làm cây cảnh chưng tết chính trong nhà nhằm mang đến sự may mắn và tài lộc.
Đây là loại hoa đào kép phổ biến gồm nhiều tầng cánh, mỗi bông từ 20 -22 cánh hoa, cho tỷ lệ nở cao trên 90%, bông hồng phớt to, dày, đường kính khoảng 4 cm. Đào phai là giống cây cảnh ngày tết có khả năng chống chịu được sâu bệnh rất tốt, và thời gian sinh trưởng nhanh, khỏe mạnh gấp nhiều lần so với các loại cây khác.
Bên cạnh đó, giống hoa đào phổ biến này được phân bố rộng khắp ở các tỉnh miền bắc nước ta như: Thái Nguyên, Hà Giang, Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng,.. mang đến hiệu quả về kinh tế cho những nhà vườn vào dịp cuối năm để phục vụ dịp tết cổ truyền của dân tộc.
Bích đào
So với giống đào phai thì Bích đào (Đào bích) với màu hồng đậm rực rỡ thích hợp với những gia chủ muốn sự sang trọng, nổi bật, mạnh mẽ và kiêu sa tỏa sáng. Bích đào dùng để trang trí tết nơi tiền sảnh, phòng khách, văn phòng, công ty,…Hoặc cắm trên bàn thờ gia tiên giúp tạo thêm xuân, thêm lộc và mang đến khung cảnh tết rộn ràng với màu đỏ hồng đầy hương sắc.
Bích đào là loại hoa đào phổ biến với màu đỏ hoặc hồng sẫm, đường kính từ 3,5 cm trở lên, mỗi bông có từ 20 – 22 cánh hoa, cho tỉ lệ nở hoa lên đến 95%, với thời gian nở trung bình từ 15 – 16 ngày. Đây là giống cây có khả năng sinh trưởng, phát triển rất tốt và chống chịu được các loài sâu bệnh gây hại, đặc biệt, đào bích hiện được trồng tại Hải Dương, Thái Nguyên và Hà Nội cho kết quả thử nghiệm cao gấp 15 – 30% so với các giống thông thường.
Bạch đào
Trong các loại hoa đào chưng tết thì Bạch đào được coi là loại cây quý hiếm, khó trồng và càng khó ép nở đúng dịp tết so với đào phai và bích đào. Ở nước ta hiện nay, giống bạch đào chỉ còn rất ít, khoảng vài gốc ở Hà Nội và được nhiều “đại gia” săn lùng với giá tiền cực cao.
Đây là giống đào cho hoa màu trắng, bông to đường kính 3,5 cm, số lượng hoa từ 18 – 20 cánh một bông, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, khả năng sinh trưởng phát triển nhanh. Đào bạch là cây cảnh được trồng thử nghiệm tại Lạng Sơn và Hà Nội nhưng cho kết quả không cao, chính vì hiếm có như vậy, mỗi dịp tết đến xuân về có được chậu cây bạch đào trong nhà là bạn đã có cả một kho báu to lớn, thêm sự may mắn và hãnh diện với bạn bè.
Đào thất thốn
Đào thất thốn (Hay còn được gọi là đào Tiến Vua) là giống đào rất quý, ngày xưa chỉ có vua chúa mới được thưởng chơi. Đào thất thốn mỗi đoạn thân dài 7 đốt ngón tay, cây sẽ chia cành khác và mỗi thốn chỉ có 7 hoa, bông rất to dày, nhiều lớp có màu đỏ tươi, hoa mọc phân bố đều từ thân đến cành như được sắp xếp một cách vô cùng khéo léo.
Đặc điểm của giống cây này là gốc to, cao khoảng 1m, thân sần sùi màu nâu sẫm, dáng đứng mềm mại, uốn cong tự nhiên, nụ hoa đen sẫm, khi nở hoa tròn đều, nhiều lớp dày màu hồng tươi rực rỡ. Đào thất thốn là loại cây khó trồng nên đa số các nhà vườn chỉ cho thuê với giá trung bình từ 10 – 20 triệu/ gốc, cây đẹp có thể lên đến 100 triệu/gốc.
Đào má hồng Đà Lạt
Đào “má hồng” là loại đào lai, được ghép từ gốc cây đào rừng với mầm của các loại hồng đào, liễu đào, bích đào, bạch đào… nên có tới 25 cánh, đẹp hơn nhiều so với đào 5 cánh thông thường.
Cũng như đào thắm phương Bắc, mai vàng phương Nam, Đà Lạt có đào má hồng đặc trưng cho sắc xuân của thành phố du lịch.
Đào má hồng còn gọi là đào lông, đào phai hoặc đào vạn tượng. Gọi đào má hồng vì khi chín một phần quả đào chuyển sắc hồng phơn phớt như đôi má hồng thiếu nữ. Cũng có người cho rằng, gọi đào má hồng vì hoa đào màu hồng phơn phớt chứ không đỏ như đào thắm phía Bắc.
Đây là loại đào lai, được ghép từ gốc cây đào rừng (mai anh đào) của Đà Lạt với mầm của các loại hồng đào, liễu đào, bích đào, bạch đào,… có nguồn gốc từ làng đào Nhật Tân (Hà Nội).
Đào má hồng cho hoa kép với khoảng 25 cánh, đẹp hơn hẳn hoa đơn 5 cánh của đào Đà Lạt; độ bền của hoa kéo dài cả tháng, gấp đôi đào Đà Lạt. Thân đào là những cây mai anh đào hàng chục năm tuổi nên trông khá cổ, dáng thế đẹp và rất độc đáo, không đụng hàng.
Tổng kết
Ngoài các loại hoa đào kể trên ra, còn có thêm một số loại hoa đào ngày tết như đào bonsai, đào cổ thụ,…để tiêu thụ vào dịp tết Nguyên Đán với những hình dáng và thế đứng độc lạ, thu hút khách mua. Qua bài viết này, hy vọng rằng bạn đã có thêm được kiến thức về loài hoa đào và chọn lựa cho mình một chậu cây cảnh đẹp nhất vào dịp tết này nhé.